Trang chủ Tin tức

Thể chế, pháp luật cạnh tranh tại Malaysia và Brunei: Cơ sở để hội nhập kinh tế và hướng tới cạnh tranh bình đẳng trong khu vực ASEAN

30/12/2024 - Thể chế, pháp luật cạnh tranh tại Malaysia và Brunei: Cơ sở để hội nhập kinh tế và hướng tới cạnh tranh bình đẳng trong khu vực ASEAN

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một tổ chức khu vực gồm 10 quốc gia thành viên, được thành lập vào năm 1967 nhằm thúc đẩy hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa trong khu vực Đông Nam Á. Trong khối ASEAN, Malaysia và Brunei không chỉ là những thành viên tích cực mà còn là hai quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Malaysia, với nền kinh tế đa dạng và chiến lược hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu, đã xây dựng các khung pháp luật vững chắc nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của CPTPP. Trong khi đó, Brunei, với nguồn lực kinh tế chủ yếu dựa vào dầu mỏ và khí đốt, đã tích cực thúc đẩy các cải cách kinh tế và pháp luật để phù hợp với các cam kết của hiệp định này, đặc biệt trong việc bảo đảm cạnh tranh minh bạch và hiệu quả. Cả Malaysia và Brunei không chỉ tận dụng CPTPP để tăng cường sức cạnh tranh kinh tế mà còn phát triển các hệ thống pháp luật cạnh tranh hiện đại nhằm điều chỉnh thị trường trong nước và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, việc nghiên cứu lịch sử hình thành pháp luật cạnh tranh và thực tiễn thực thi tại hai quốc gia này không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự phát triển nội tại mà còn là cơ hội rút ra những kinh nghiệm hữu ích cho các nước thành viên khác trong CPTPP.

1. Lịch sử hình thành pháp luật và Cơ quan cạnh tranh Malaysia

1.1. Pháp luật Cạnh tranh Malaysia

a) Quá trình hình thành

Luật Cạnh tranh Malaysia (Luật số 712) và Luật về Ủy ban Cạnh tranh Malaysia (Luật số 713) được Quốc hội Malaysia thông qua tháng 5 năm 2010 đã tạo nên nền tảng pháp lý quan trọng của Malaysia trong việc điều chỉnh các quan hệ cạnh tranh trên thị trường. Trong khi Luật về Ủy ban Cạnh tranh Malaysia có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 thì Luật Cạnh tranh Malaysia có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012. Luật Cạnh tranh Malaysia được thiết kế để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững thông qua việc khuyến khích và bảo vệ cạnh tranh hiệu quả, qua đó bảo vệ và phụng sự quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Luật khuyến khích và tăng cường hiệu quả, đổi mới và tinh thần kinh doanh lành mạnh làm cơ sở cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Bảo vệ cạnh tranh lành mạnh để tăng cường hiệu quả, khuyến khích đổi mới sáng tạo và phong trào kinh doanh, qua đó giúp đảm bảo cạnh tranh về giá cả, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ và tăng cường sự lựa về sản phẩm dịch vụ cho người tiêu dùng.

b) Những nội dung cơ bản

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Luật Cạnh tranh Malaysia quy định cấm các hành vi phản cạnh tranh, bao gồm:

  • Các hành vi thỏa thuận phản cạnh tranh gây tác động hoặc có khả năng gây tác động ngăn cản, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh một cách đáng kể tại bất kỳ một thị trường nào tại Malaysia; và
  • Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

Tại phần phạm vi điều chỉnh, Luật Cạnh tranh Malaysia quy định điều chỉnh đối với bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, trong lãnh thổ và thuộc các hành vi bị điều chỉnh và ngoài lãnh thổ Malaysia. Đối với những hành vi hay hoạt động kinh doanh được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Malaysia sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của luật nếu gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể đến bất kỳ một thị trường nào tại Malaysia.

Hoạt động kinh doanh được xác định là bất kỳ một hoạt động vì mục đích thương mại nhưng không bao gồm các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoặc bất kỳ hành vi nào được thực hiện trên cơ sở của nguyên tắc tình đoàn kết; hoặc bất kỳ hành vi mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ nào không phải cho mục đích cung ứng hàng hóa dịch vụ với mục đích kinh tế.

Đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, được quy định tại Chương 1, Phần II về các hành vi phản cạnh tranh. Luật Cạnh tranh Malaysia quy định cấm các thỏa thuận (ngang hoặc dọc) giữa các doanh nghiệp nhằm mục tiêu hoặc có tác động ngăn cản, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh một cách đáng kể trên bất kỳ thị trường hàng hóa hay dịch vụ nào tại Malaysia. Quy định này bao trùm cả các thỏa thuận giữa các đối thủ cạnh tranh (thỏa thuận ngang) và các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp hoạt động trên những giai đoạn khác nhau trong chuỗi sản xuất, kinh doanh (thỏa thuận dọc). Trong đó, các thỏa thuận ngang được xác định là vi phạm mặc nhiên (illegal per se) mà không cần thực hiện đánh giá tác động phản cạnh tranh trên thị trường. Thỏa thuận ngang có thể bao gồm nhưng không giới hạn các hình thức sau:

  • Thỏa thuận ấn định giá mua, giá bán hoặc các điều kiện thương mại một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;
  • Phân chia thị trường hoặc nguồn cung sản phẩm;
  • Giới hạn hoặc kiểm soát: (i) sản xuất, (ii) thị trường tiêu thụ; (iii) tiếp cận thị trường; (iv) phát triển kỹ thuật, công nghệ; hoặc (v) đầu tư;
  • Thông đồng đấu thầu.

Để thực thi quy định kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, Ủy ban cạnh tranh Malaysia ban hành “Hướng dẫn về Chương 1 Luật Cạnh tranh”. Theo hướng dẫn một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sẽ không được xem là có tác động hạn chế cạnh tranh “đáng kể” nếu:

  • Các bên tham gia thỏa thuận là các đối thủ cạnh tranh của nhau nhưng thị phần kết hợp trên thị trường liên quan không vượt quá 20%; hoặc
  • Các bên tham gia thỏa thuận không phải là đối thủ cạnh tranh nhưng mỗi bên chiếm ít hơn 25% thị phần trên thị trường liên quan.

Luật Cạnh tranh Malaysia quy định cho phép miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nếu đáp ứng các điều kiện như:

  • Thỏa thuận mang lại những lợi ích đáng kể về phát triển công nghệ, tăng cường hiệu quả hoặc lợi ích xã hội trực tiếp phát sinh từ thỏa thuận;
  • Các bên tham gia thỏa thuận không thể mang đến những lợi ích một cách hợp lý nếu không tham gia vào thỏa thuận có tác dụng ngăn chặn, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh;
  • Những tác động tiêu cực của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể được bù đắp bằng lợi ích mà thỏa thuận tạo ra; và
  • Thỏa thuận không làm cho các doanh nghiệp liên quan triệt tiêu hoàn toàn cạnh tranh đối với một phần đáng kể của hàng hóa hoặc dịch vụ.

Đối với lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, được quy định tại Chương 2, Phần II về các hành vi phản cạnh tranh. Luật Cạnh tranh Malaysia quy định cấm doanh nghiệp, một cách độc lập hoặc cùng với doanh nghiệp khác, thực hiện các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong bất kỳ thị trường của một hàng hóa hay dịch vụ nào đó. Vị trí thống lĩnh thị trường theo Luật Cạnh tranh Malaysia được hiểu là việc một hoặc nhiều doanh nghiệp có sức mạnh đáng kể trên thị trường để có thể tự do điều chỉnh giá, đầu ra sản phẩm, các điều kiện thương mại mà không phải chịu bất kỳ một sự phản kháng đáng kể nào từ các đối thủ cạnh tranh hiện hữu hoặc đối thủ tiềm năng.

Để thực thi quy định kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, Ủy ban cạnh tranh Malaysia ban hành “Hướng dẫn về Chương 2 Luật Cạnh tranh”. Theo hướng dẫn, trường hợp doanh nghiệp chiếm trên 60% thị phần trên thị trường liên quan thì rất có khả năng doanh nghiệp này có vị trí thống lĩnh trên thị trường. Do thị phần là yếu tố quan trọng nhưng không phải là duy nhất để xác định sức mạnh thị trường nên việc kết luận doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hay không cần được dựa trên việc đánh giá kết hợp một loạt các yếu tố khác bên cạnh thị phần. Theo Luật Cạnh tranh Malaysia, các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm có thể bao gồm:

  • Trực tiếp hoặc gián tiếp ấn định giá mua hoặc giá bán hoặc các điều kiện thương mại một cách không công bằng;
  • Hạn chế hoặc kiểm soát (i) sản xuất; (ii) thị trường tiêu thụ; (iii) tiếp cận thị trường; (iv) phát triển kỹ thuật, công nghệ; hoặc (v) đầu tư, gây bất lợi cho người tiêu dùng;
  • Từ chối cung ứng cho một doanh nghiệp nhất định hoặc một nhóm hoặc một loại doanh nghiệp;
  • Áp dụng các điều kiện thương mại khác nhau đối với các giao dịch tương tự nhau, gây thiệt hại đến cạnh tranh trên thị trường;
  • Buộc chấp nhận các điều khoản bổ sung của hợp đồng mà theo bản chất hoặc thông lệ thương mại là không liên quan đến đối tượng của hợp đồng (ví dụ, bán kèm một sản phẩm với sản phẩm khác);
  • Bất kỳ hành vi hủy diệt nào nhắm vào đối thủ cạnh tranh; hoặc
  • Thu mua toàn bộ một nguồn cung cấp hàng hóa/tài nguyên trung gian đang khan hiếm đối với đối thủ cạnh tranh, trong đó doanh nghiệp thống lĩnh không có lý do thương mại hợp lý để mua hàng hóa hoặc tài nguyên đó để đáp ứng nhu cầu của chính họ.

Đối với hoạt động tập trung kinh tế, Luật Cạnh tranh Malaysia không quy định bất kỳ điều kiện, yêu cầu hoặc tùy chọn nào mà các doanh nghiệp cần phải thực hiện trước khi sáp nhập, mua lại hoặc liên doanh.

Về các hình phạt, trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, Luật Cạnh tranh quy định trao thẩm quyền cho MyCC được áp dụng một hình phạt tiền tối đa đến 10% tổng doanh thu trên toàn cầu của doanh nghiệp trong toàn bộ thời gian thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, một số đạo luật hoặc hướng dẫn khác trong từng ngành cụ thể cũng có quy định cấm hành vi phản cạnh tranh, như Luật Truyền thông và đa phương tiện, Luật Ủy ban Năng lượng, Luật Phát triển dầu khí, các quy định về nhượng quyền thương mại. Một quy định cấm cụ thể đối với hành vi hạn chế thương mại cũng được quy định trong Đạo luật Hợp đồng Malaysia năm 1950. Theo đó, thỏa thuận hạn chế một bên hành nghề, hoạt động kinh doanh, thương mại hợp pháp dưới bất kỳ hình thức nào, là vô hiệu.

1.2. Cơ quan thực thi

Cơ quan chịu trách nhiệm thực thi Luật Cạnh tranh Malaysia là Ủy ban Cạnh tranh Malaysia (MyCC). Căn cứ quy định của Luật Cạnh tranh Malaysia và Luật về Ủy ban Cạnh tranh Malaysia, MyCC có thẩm quyền trong việc thực thi Luật Cạnh tranh và giúp Bộ trưởng và các cơ quan quản lý khác trong các vấn đề liên quan đến cạnh tranh, giáo dục và nâng cao nhận thức về pháp luật cạnh tranh trong cộng đồng xã hội.

a) Quá trình hình thành và phát triển

Ủy Ban cạnh tranh Malaysia (MyCC) là cơ quan độc lập được thành lập ngày 01 tháng 4 năm 2011 trên cơ sở Luật về Ủy ban cạnh tranh Malaysia năm 2010 nhằm thực thi Luật cạnh tranh Malaysia năm 2010. Vai trò của MyCC là thực thi Luật Cạnh tranh, đặc biệt là điều tra, xử lý đối với các hành vi phản cạnh tranh (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường), để thông qua đó duy trì và bảo vệ quá trình cạnh tranh vì lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế.

b) Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nguồn lực thực thi

Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức

Tuy là cơ quan độc lập, MyCC vẫn chịu sự giám sát của Bộ Nội thương, hợp tác xã và bảo vệ người tiêu dùng. Các chức năng chính của MyCC bao gồm:

  • Thực thi các quy định của Luật cạnh tranh 2010, ban hành các hướng dẫn hỗ trợ thực thi Luật cạnh tranh 2010, phụ trách công tác tuyên truyền các vấn đề liên quan tới cạnh tranh;
  • Tiến hành các nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới cạnh tranh trong nền kinh tế hoặc một ngành cụ thể trong nền kinh tế;
  • Thông báo và giáo dục cộng đồng về cách thức cạnh tranh đem lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nền kinh tế Malaysia.

Trung tâm quyền lực của MyCC là Chủ tịch và các Ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. MyCC có bộ máy giúp việc bao gồm các bộ phận: Điều tra và thực thi, Kế hoạch chiến lược và quan hệ quốc tế, Phân tích kinh tế, Pháp lý, Tuyên truyền, Hành chính.

Nhân lực và ngân sách hoạt động

Theo Báo cáo thường niên của MyCC năm 2018, cơ quan này đã công bố báo cáo tài chính năm 2017 và năm 2018. Cụ thể, năm 2017 tổng tài sản của MyCC là 21.121.517 ringgit (tương đương khoảng gần 5 triệu USD); năm 2018 là 23.538.787 ringgit (tương đương khoảng gần 5,6 triệu USD). Bảng dưới là ngân sách hoạt động của MyCC do Bộ Nội thương, hợp tác xã và bảo vệ người tiêu dùng cấp hàng năm. Theo số liệu cập nhật trên website của MyCC, cơ quan này hiện có 57 cán bộ (chưa bao gồm các ủy viên – Commissioners).

Đơn vị

2015

2016

2017

2018

Ringgit

4.600.000

4.581.955

2.755.746

6.927.863

USD

1,04 triệu

1,09 triệu

661.405

1,66 triệu

Nguồn: Báo cáo thường niên 2018 của MyCC

 

Quyền hạn xây dựng và thực thi pháp luật cạnh tranh

Điều 17 Luật về Ủy ban cạnh tranh Malaysia quy định về thẩm quyền của MyCC theo đó MyCC có quyền làm tất cả những việc cần thiết hoặc thiết thực hỗ trợ việc thực hiện chức năng của Uỷ ban nhằm thực thi pháp luật cạnh tranh. Cụ thể, thẩm quyền của MyCC bao gồm: (a) tận dụng mọi tài sản bao gồm cả động sản và bất động sản mà Ủy ban cho là thiết thực bao gồm cả việc thế chấp các tài sản trên; (b) áp dụng mức phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh; (c) quy định áp dụng mức phí hoặc lệ phí đối với các dịch vụ do Ủy ban cung cấp; (d) chỉ định các đại diện, chuyên gia, tư vấn phù hợp với việc hỗ trợ Ủy ban thực thi chức năng nhiệm vụ; (e) cho vay, dành học bổng hoặc tạm ứng cho nhân viên nhằm các mục đích hoặc điều kiện do Ủy ban có thể quyết định hoặc có thể được Bộ trưởng phê duyệt; (f) trả tiền thù lao, công tác phí và các chi phí khác cho các ủy viên; (g) xây dựng và triển khai các chương trình nhằm hỗ trợ Ủy ban thực hiện chức năng nhiệm vụ một cách hiệu quả, bao gồm cả các chương trình phát triển nguồn nhân lực, tài trợ và hợp tác; (h) phối hợp với bất cứ cơ quan tổ chức nào nhằm thực hiện các chức năng của Ủy ban; (i) yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin; (j) thực hiện các công việc tương tự như chức năng và quyền hạn của Ủy ban.

Về thẩm quyền trong hoạt động hợp tác để điều tra và xử lý các hành vi phản cạnh tranh xuyên biên giới. Luật cạnh tranh Malaysia quy định áp dụng đối với mọi hoạt động thương mại trong Malaysia, và áp dụng đối với bất kì hoạt động thương mại nào giao dịch bên ngoài Malaysia mà có ảnh hưởng đến cạnh tranh trên bất kỳ thị trường nào tại Malaysia.

2. Thực tiễn kinh nghiệm thực thi của Malaysia

2.1. Thực tiễn kinh nghiệm và kết quả thực thi

Để công tác thực thi đạt hiệu quả, ngay sau khi Luật Cạnh tranh được ban hành và Ủy ban cạnh tranh (MyCC) được thành lập tại Malaysia, việc xây dựng chính sách và các hướng dẫn thực thi chi tiết đã được MyCC triển khai. Ngoài ra, MyCC cũng luôn chủ động và tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế. Điều này đã giúp công tác thực thi của MyCC đạt được kết quả tích cực.

a) Xây dựng mục tiêu chính sách thực thi

Việc ban hành và thực thi Luật Cạnh tranh tại Malaysia là nhằm hiện thực hóa chính sách hoạt động thương mại lành mạnh đã được nước này thông qua ngày 26 tháng 10 năm 2005, theo đó các mục tiêu được đề cập bao gồm: (i) thúc đẩy và bảo vệ cạnh tranh trên thị trường; (ii) kiến tạo một cộng đồng doanh nghiệp năng động và cạnh tranh hiệu quả; (iii) mang tới các cơ hội tham gia thị trường kinh doanh bình đẳng và cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp, (iv) kiểm soát và ngăn cấm các hành vi phản cạnh tranh, bao gồm cả những hành vi phản cạnh tranh xuất phát từ ngoài lãnh thổ nhưng có ảnh hưởng tới thị trường nội địa; (v) kiểm soát và ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường; (vi) tăng cường các quyền cho nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường; (vii) gia tăng phúc lợi người tiêu dùng; và (viii) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hiệu quả và sự công bằng. Vì vậy, các quy định trong Luật Cạnh tranh và công tác thực thi của MyCC đều nhằm đạt được các mục tiêu về mặt chính sách đã đề ra.

b) Xây dựng hướng dẫn thực thi chi tiết

Nhằm đảm bảo minh bạch trong công tác thực thi và đối với cộng đồng doanh nghiệp, MyCC đã xây dựng hướng dẫn thực thi chi tiết cho từng chế định cụ thể được quy định trong Luật Cạnh tranh, cụ thể:

  • Hướng dẫn thực thi quy định cấm tại Chương 1 Luật Cạnh tranh liên quan tới thỏa thuận hạn chế cạnh tranh,
  • Hướng dẫn thực thi quy định cấm tại Chương 2 Luật Cạnh tranh liên quan tới lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường,
  • Hướng dẫn quy trình khiếu nại vụ việc cạnh tranh,
  • Hướng dẫn xác định thị trường liên quan,
  • Hướng dẫn xác định tiền phạt đối với doanh nghiệp vi phạm,
  • Hướng dẫn áp dụng chương trình khoan hồng,
  • Hướng dẫn áp dụng pháp luật cạnh tranh trong các vụ việc có liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ.

c) Xây dựng và áp dụng chính sách khoan hồng

Tháng 10 năm 2014, nhằm tăng cường hiệu quả thực thi Luật Cạnh tranh, MyCC đã xây dựng và áp dụng Hướng dẫn về chính sách khoan hồng. Hướng dẫn này được xây dựng trên cơ sở quy định tại Điều 41, Luật Cạnh tranh của Malaysia, theo đó trao quyền cho MyCC được giảm tối đa tới 100% số tiền phạt nếu nhận được sự hợp tác đầy đủ từ bên vi phạm. Hướng dẫn cho phép các bên liên quan trong các thoả thuận hạn chế cạnh tranh có thể thực hiện việc khai báo, cung cấp thông tin và chứng cứ cho MyCC để đổi lấy việc miễn hoặc giảm mức tiền phạt. Đây là một công cụ để MyCC tăng cường khả năng phát hiện các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có xu hướng ngầm hóa.

Hướng dẫn về chính sách khoan hồng của Malaysia quy định làm rõ các nội dung bao gồm đối tượng hưởng khoan hồng, thẩm quyền xem xét và quyết định của MyCC, trình tự thủ tục và các thức doanh nghiệp thực hiện khai báo xin hưởng khoan hồng, điều kiện được hưởng khoan hồng và mức khoan hồng được hưởng. Điều này đảm bảo sự minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan thực thi và doanh nghiệp muốn xin hưởng khoan hồng.

d) Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế

Kể từ khi được thành lập, MyCC đã tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc tế khu vực và quốc tế trong thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh, như tham gia thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh trong khuôn khổ Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), tham gia Nhóm chuyên gia của Asean về cạnh tranh (AEGC), Mạng lưới cạnh tranh toàn cầu (ICN), Diễn đàn về cạnh tranh trong Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD), Hội nghị cấp cao Asean về chính sách cạnh tranh (EATOP). Sự tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế giúp MyCC cập nhật được sự phát triển và xu hướng xây dựng và thực thi pháp luật cạnh tranh trên thế giới cũng như đóng góp kinh nghiệm và công sức vào công cuộc khuyếch trương chính sách và pháp luật cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, MyCC trong một vài trường hợp đã hợp tác với cơ quan cạnh tranh nước khác để điều tra xử lý các hành vi phản cạnh tranh xuyên biên giới.

e) Kết quả thực thi

Theo các báo cáo thường niên, kể từ khi ban hành Luật Cạnh tranh, công tác thực thi của MyCC đã đạt được những kết quả tích cực. Kể từ khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, MyCC đã tiếp nhận nhiều khiếu nại từ cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên thị trường. Tính đến năm 2018 đã có tổng số 485 khiếu nại. MyCC đã tiến hành nhiều cuộc điều tra theo quy trình tố tụng cạnh tranh, cụ thể là 64 cuộc điều tra theo thủ tục tố tụng đối với các hành vi phản cạnh tranh (hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường). Ngoài ra, MyCC cũng đã tiến hành điều tra xác minh dấu hiệu vi phạm trong 39 trường hợp/vụ việc khác.

Năm

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

Tổng nhận

Đã giải quyết

Khiếu nại

8

69

80

75

51

64

138

485

385

MyCC

chủ động

2

10

13

6

9

6

0

46

41

Chỉ đạo của Bộ trưởng

1

2

3

1

3

0

3

13

10

Nguồn: Bảng tổng hợp các vụ việc của MyCC theo Báo cáo thường niên 2018

Kết qủa và kinh nghiệm thực thi quy định kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Từ khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, phương pháp tiếp cận thực thi của MyCC được mô tả là "theo chủ nghĩa dần dần". MyCC đã tổ chức điều tra một số trường hợp có dấu hiệu của hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Trong các tuyên bố thực thi, MyCC thường nhấn mạnh thỏa thuận ấn định giá là một con quỷ vô hình mà pháp luật cạnh tranh phải kiểm soát và MyCC luôn luôn ưu tiên nguồn lực hoạt động để chống các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong đó có hành vi thỏa thuận ấn định giá.

Trong số các vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mà MyCC điều tra xử lý vào thời điểm mới được thành lập có vụ việc của Hiệp hội các nhà trồng hoa cao nguyên Cameron (CHFA) và đây là vụ việc thuộc các trường hợp được xác định có hành vi vi phạm.

CHFA là hiệp hội ngành nghề với 150 thành viên tham gia ngành trồng hoa ở vùng Cao nguyên Cameron. Hoạt động chính của các thành viên hiệp hội là bán hoa cắt cành cho các nhà phân phối và bán buôn ở Malaysia. Vào ngày 04 tháng 3 năm 2012, một tờ nhật báo địa phương đưa tin thông báo của Chủ tịch CHFA rằng các thành viên tham dự cuộc họp của Hiệp hội vào ngày 28 tháng 2 năm 2012 đã nhất trí tăng giá bán hoa lên 10%. Việc tăng giá đề xuất sẽ có hiệu lực vào ngày 16 tháng 3 năm 2012. Chính sách của Hiệp hội bị coi là đã vi phạm Điều 4(2) Luật Cạnh tranh Malaysia liên quan tới hành vi thỏa thuận ấn định giá theo chiều ngang. Khi thực hiện thỏa thuận này, thành viên của CHFA về cơ bản được coi là đã tham gia vào một thỏa thuận để ấn định giá bán hoa mà cụ thể là tăng giá bán hoa trên thị trường.

Trên cơ sở thông tin từ các phương tiện truyền thông, MyCC đã tiến hành một cuộc điều tra chính thức về vụ việc. Và sau khi kết thúc quá trình điều tra, ngày 24 tháng 10 năm 2012, MyCC ban hành quyết định đề xuất theo đó đề xuất CHFA phải thực hiện một số nghĩa vụ và biện pháp khắc phục: (i) CHFA chấm dứt và hủy bỏ các hành vi vi phạm trong việc ấn định giá hoa, (ii) CHFA cam kết rằng các thành viên sẽ không thực hiện bất kỳ hành vi phản cạnh tranh nào, (iii) CHFA công bố công khai các biện pháp xử lý trên trên báo chí chính thống.

Trường hợp CHFA không tuân thủ quyết định sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền (lên tới 20.000 ringgit). Ngoài ra, một số vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được MyCC điều tra xử lý như bảng dưới.

Thời gian

Vi phạm

Doanh nghiệp

06/12/2012

4(2)(a)

Cameron Highlands Floriculturist Association

Tiền phạt: 20.000 Ringgit

31/3/2014

4(2)(b)

Malaysia Airline System Berhad, AirAsia Berhad and AirAsia X Sdn. Bhd. Tiền phạt: 10 triệu Ringgit

30/01/2015

4(2)(a)

20 nhà sản xuất đá cây tại Kuala Lumpur, Selangor, và Putrajaya. Tiền phạt: 247.730 Ringgit

01/6/2016

4(1)

4(2)(a)

Một công ty cung cấp dịch vụ IT và bốn công ty điều hành cảng công ten nơ. Tiền phạt: 645.774 Ringgit

16/10/2017

4(2)(a)

Hiệp hội bảo hiểm Malaysia và 22 thành viên

Tiền phạt: 213,45 triệu Ringgit

08/02/2018

4(2)a

Bảy trung tâm đào tạo và chăm sóc học sinh

Tiền phạt: 33.068,85 Ringgit

Về chính sách khoan hồng, do mới được ban hành và áp dụng nên kết quả thực thi trong thực tiễn tại Malaysia chưa nhiều. Tuy nhiên, MyCC cũng đã đạt được một số thành công trong việc áp dụng chính sách khoan hồng. Tính đến năm 2019 đã có 01 vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được phát hiện và điều tra, xử lý trên cơ sở doanh nghiệp áp dụng chính sách khoan hồng tại Malaysia.

Kết qủa và kinh nghiệm thực thi quy định kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường

Đối với quy định kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, MyCC cũng đã thực thi có hiệu quả. Một trong số các vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường điển hình là vụ việc lạm dụng của Grab. Ngày 26 tháng 3 năm 2018, Grab chính thức thông báo mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á. Việc sáp nhập này khiến Grab trở thành doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải trên nền tảng phần mềm công nghệ lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Từ thông tin phản ánh MyCC xác định Grab đã có hành vi lạm dụng vị thế độc quyền tại Malaysia để ngăn chặn các tài xế tham gia ứng dụng công nghệ, quảng cáo hay cung cấp dịch vụ quảng cáo cho các đối thủ cạnh tranh. MyCC cho rằng những hạn chế của Grab đối với giới tài xế đã dẫn tới sự cạnh tranh méo mó trên thị trường vốn được Malaysia xây dựng trên nền tảng đa diện thông qua việc ban hành các quy định về điều kiện gia nhập và mở rộng hoạt động của các đối thủ cạnh tranh với hãng này hiện tại và trong tương lai.

Quyết định của MyCC về trường hợp của Grab được đưa ra sau khi cơ quan này tiến hành điều tra, theo dõi các hoạt động được cho là cạnh tranh thiếu công bằng của Grab tại Malaysia từ tháng 3/2018 sau khi Grab sáp nhập thành công Uber tại Malaysia dựa trên các khiếu nại của giới tài xế.

2.2. Khó khăn và thuận lợi

Mặc dù đã được tròn 10 năm kể từ khi ban hành, nhưng việc thực thi Luật Cạnh tranh vẫn đang ở trong giai đoạn khá mới ở Malaysia. Những thách thức đáng kể đang ở phía trước trên con đường hướng tới việc thực thi hiệu quả đạo luật này. Công việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi cần phải được duy trì mặc dù các hoạt động này đã được thực hiện trong suốt thời gian qua. Các trường hợp như CHFA cho thấy nhu cầu thiết thực về giáo dục cộng đồng xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh. Thực tế, hầu hết các trường hợp vi phạm đều do MyCC khởi xướng điều tra thay vì nhận được đơn khiếu nại công khai. Điều này một phần nguyên nhân là do còn thiếu kiến ​​thức và hiểu biết về pháp luật cạnh tranh trong cộng đồng xã hội và doanh nghiệp. Các phương tiện truyền thông đã đóng một vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền phổ biến và cần đẩy mạnh hơn trong tương lai.

Nâng cao năng lực thực thi cũng là nội dung quan trọng để thực thi thành công pháp luật cạnh tranh. Vấn đề nhân sự và đãi ngộ thấp bởi cơ cấu tiền lương cứng nhắc đã phần nào gây hạn chế trong việc tuyển dụng được nhân sự có chất lượng tốt. Hơn nữa, khi các hình phạt nghiêm khắc và khắc nghiệt hơn được áp dụng và công tác thực thi được chuyển từ phương thức vận động thuyết phục sang phương thức xử lý răn đe thì các vụ việc được điều tra sẽ trở nên phức tạp hơn và đòi hỏi cán bộ có nhiều chuyên môn hơn. Vụ việc phức tạp cũng đi kèm với nhiều khiếu nại hơn đối với quyết định do MyCC ban hành tại các tòa án phúc thẩm về cạnh tranh, nơi các quyết định của MyCC có thể bị phản đối. Vì vậy, kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực như pháp luật cạnh tranh và kinh tế sẽ ngày càng quan trọng.

Việc điều tra xử lý thành công các trường hợp CHFA và tương tự đã giúp MyCC có một khởi đầu thuận lợi để xây dựng uy tín. Các vụ việc cạnh tranh sẽ ngày càng khó khăn hơn nên việc lựa chọn các vụ việc điều tra cũng rất quan trọng trong nỗ lực của MyCC nhằm xây dựng danh tiếng và uy tín cũng như thu hút sự ủng hộ của công chúng. Trong khi nhận thức của cộng đồng cao hơn sẽ rất quan trọng trong việc xác định các phương thức kinh doanh có khả năng dẫn đến hành vi phản cạnh tranh, nó cũng sẽ có tác động khiến các doanh nghiệp lưu tâm hơn trong việc che đậy các hành vi phản cạnh tranh như ấn định giá và gian lận hay thông thầu.

So với các quốc gia khác, Luật Cạnh tranh của Malaysia khác biệt ở chỗ không có kiểm soát tập trung kinh tế. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới MyCC trong việc kiểm soát những thay đổi trong cấu trúc thị trường có thể gây bất lợi cho cạnh tranh. Việc không thực thi các quy định kiểm soát tập trung kinh tế cũng có thể làm giảm cơ hội để MyCC xây dựng chuyên môn và kiến ​​thức về các thị trường và ngành công nghiệp khác nhau trong nước. Kiến thức và chuyên môn đó có thể được thu thập một phần thông qua việc thực hiện các nghiên cứu đánh giá thị trường. Tuy nhiên, kinh nghiệm của MyCC cho thấy các hạn chế về dữ liệu và thông tin gặp phải trong đánh giá thị trường có thể gây những hạn chế nghiêm trọng. Do đó, Malaysia cần cân nhắc thực hiện các biện pháp kiểm tập trung kinh tế trong tương lai.

Một nội dung quan trọng khác mà MyCC có thể thực hiện là việc xem xét các quy định và chính sách của chính phủ, cơ quan chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước mà có tác động tiêu cực đến cạnh tranh. Khi thực hiện hoạt động này, MyCC sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong thực thi chính sách cạnh tranh. Hoạt động này có khả năng thu hút sự tham gia của các bộ và cơ quan quản lý khác, sức mạnh ý chí chính trị có thể là yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng sự hợp tác được mở rộng cho MyCC và các khuyến nghị của MyCC được thực hiện.

Về hoạt động hợp tác, khi Asean tiến tới một thị trường duy nhất thì vấn đề hợp tác phối hợp hoạt động thực thi cũng như hài hòa hóa luật cạnh tranh cần được đặt ra. Vụ việc ấn định giá xe buýt tốc hành giữa Malaysia-Singapore đã được CCCS khởi tố thành công vào năm 2009 là một ví dụ thực tiễn về các hoạt động phản cạnh tranh xuyên biên giới và sự hợp tác phối hợp giữa các cơ quan cạnh tranh các nước. Sự hài hòa của luật cạnh tranh trong khu vực Asean sẽ rất quan trọng để giảm chi phí thực thi trong điều tra xử lý các vụ việc phản cạnh tranh xuyên biên giới bao gồm mua bán và sáp nhập. Đồng thời sự phối kết hợp giữa các cơ quan cạnh tranh trong khu vực sẽ giúp giảm chi phí và nguồn lực trong các vụ việc điều tra.

3. Pháp luật và cơ quan cạnh tranh Brunei

3.1. Cơ quan cạnh tranh Brunei

a) Lịch sử hình thành

Với sự đồng ý của Đức vua Sultan Haji Hassanal Bolkiah Mu'izzaddin Waddaulah ibni Al-Marhum Sultan Haji Omar 'Ali Saifuddien Sa'adul Khairi Waddien, Sultan và Yang Di-Pertuan của Brunei Darussalam, Ủy ban Cạnh tranh của Brunei Darussalam (“CCBD”) đã được thành lập vào ngày 1 tháng 8 năm 2017.

CCBD được giao nhiệm vụ thúc đẩy cạnh tranh kinh doanh trong bối cảnh kinh tế của Brunei Darussalam thông qua việc thực thi Đạo luật Cạnh tranh (theo Chương 253 của Bộ Luật quốc gia Brunei). Đạo luật này có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện phúc lợi của người tiêu dùng thông qua việc thúc đẩy nền kinh tế không có cạnh tranh không lành mạnh và không công bằng. Theo đó, CCBD sẽ giám sát và hành động về các vấn đề cạnh tranh theo quy định của Đạo luật. Điều này bao gồm việc xét xử các vụ việc chống cạnh tranh và áp dụng hình phạt đối với các công ty bị phát hiện vi phạm Đạo luật Cạnh tranh.

Ban thư ký điều hành của CCBD cũng được thành lập vào ngày 01 tháng 8 năm 2017, quản lý các công việc hàng ngày của CCBD cũng như thực hiện các chức năng như hướng dẫn, tuyên truyền Luật Cạnh tranh cho các bên liên quan, tiếp nhận khiếu nại, điều tra các vụ việc chống cạnh tranh và tiến hành đánh giá thị trường.

Việc ban hành Luật Cạnh tranh và thành lập CCBD nhấn mạnh những nỗ lực của Chính phủ của Quốc vương Sultan và Yang Di-Pertuan Negara Brunei Darussalam nhằm tăng cường hiệu quả thị trường hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, phù hợp với các mục tiêu kinh tế của Wawasan (Tầm nhìn) Brunei 2035.

b) Chức năng nhiệm vụ

Tầm nhìn - Nâng cao hiệu quả thị trường và phúc lợi của người tiêu dùng

Luật Cạnh tranh đóng vai trò quan trọng đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường Brunei. Luật này giúp Brunei Darussalam củng cố môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và đầu tư, phù hợp với mục tiêu kinh tế dài hạn của Chính phủ là đạt được nền kinh tế năng động và bền vững, như mong muốn trong Wawasan 2035.

Thông qua lệnh cấm các hành vi chống cạnh tranh, Luật này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới, năng suất và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng có thể được hưởng lợi từ mức giá thấp hơn và nhiều lựa chọn hơn trên thị trường. Luật này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các mối quan ngại liên quan đến cạnh tranh theo phạm vi của luật, nhằm duy trì hoạt động bình thường của thị trường. Điều này không chỉ mang lại sự chắc chắn và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư mà còn tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia thị trường.

Với việc thực thi hiệu quả và hiệu suất của Luật Cạnh tranh, CCBD cam kết nâng cao hiệu quả kinh tế và phúc lợi của người tiêu dùng tại Brunei Darussalam.

Sứ mệnh - Ngăn chặn các hành vi chống cạnh tranh và thúc đẩy văn hóa cạnh tranh

CCBD có sứ mệnh ngăn chặn các hành vi chống cạnh tranh thông qua việc thực thi hiệu quả Đạo luật và thúc đẩy văn hóa cạnh tranh thông qua các nỗ lực vận động và tiếp cận liên tục. CCBD nhận ra rằng văn hóa cạnh tranh và sự tuân thủ được nuôi dưỡng tốt nhất khi các bên liên quan chính hiểu được lợi ích của cạnh tranh và hiểu Đạo luật.

Chức năng, nhiệm vụ

CCBD là một cơ quan bán tư pháp tự chủ có vai trò thực thi Đạo luật Cạnh tranh. Các chức năng của cơ quan này theo Mục 4(1) của Đạo luật bao gồm:

(1) Tăng cường hoạt động thị trường hiệu quả và thúc đẩy năng suất chung, đổi mới và khả năng cạnh tranh của thị trường tại Brunei Darussalam;

(2) Thúc đẩy và duy trì cạnh tranh trên thị trường tại Brunei Darussalam;

(3) Thúc đẩy văn hóa và môi trường cạnh tranh mạnh mẽ trong toàn bộ nền kinh tế;

(4) Hoạt động như một người ủng hộ các vấn đề cạnh tranh;

(5) Giáo dục và thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng về giá trị của cạnh tranh và cách thức Sắc lệnh này thúc đẩy cạnh tranh;

(6) Tư vấn cho Chính phủ hoặc cơ quan công quyền khác về nhu cầu và chính sách quốc gia liên quan đến các vấn đề liên quan đến cạnh tranh tại Brunei Darussalam;

(7) Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các kỹ năng liên quan đến các khía cạnh pháp lý, kinh tế và chính sách;

(8) Hoạt động quốc tế với tư cách là cơ quan đại diện quốc gia của Brunei Darussalam liên quan đến các vấn đề cạnh tranh; và

(9) Tiến hành các hoạt động và làm những việc cần thiết hoặc có lợi và phù hợp cho việc quản lý CCBD.

3.2. Pháp luật cạnh tranh của Brunei

Luật Cạnh tranh, với 74 điều và bốn Biểu được tổ chức thành sáu Phần, đưa ra một khuôn khổ pháp lý chi tiết nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng và các hoạt động trong thị trường vì lợi ích của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Luật nêu chi tiết về việc thành lập, vai trò và thẩm quyền của Ủy ban (được giới thiệu trong điều 3), có nhiệm vụ giám sát cạnh tranh trên thị trường, bao gồm các nỗ lực cải thiện hiệu quả thị trường, khuyến khích môi trường cạnh tranh và thúc đẩy đổi mới. Ủy ban ủng hộ các hoạt động cạnh tranh, giáo dục công chúng về tầm quan trọng của cạnh tranh, đưa ra lời khuyên cho chính phủ về các chính sách liên quan đến cạnh tranh và đại diện cho Brunei trên trường quốc tế về các vấn đề cạnh tranh. Ủy ban cũng tham gia vào nghiên cứu và phát triển kỹ năng trong các lĩnh vực có liên quan đến luật cạnh tranh, kinh tế và chính sách. Hoạt động của Ủy ban chịu ảnh hưởng của động lực riêng biệt của các thị trường khác nhau, các yêu cầu kinh tế và công nghiệp của đất nước và mục tiêu duy trì các chức năng thị trường hiệu quả, với sự linh hoạt để đảm nhận thêm các trách nhiệm theo chỉ đạo của Bộ trưởng. Hơn nữa, Luật nêu rõ quy trình bổ nhiệm Giám đốc và các viên chức được ủy quyền (điều 6 và 7) và phác thảo cách thức ủy quyền cho các ủy ban. Nó cũng khám phá lệnh cấm các thỏa thuận chống cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và các quy tắc quản lý sáp nhập. Ủy ban được trao quyền tiến hành điều tra các hành vi vi phạm luật cạnh tranh bị nghi ngờ và có thể buộc các cá nhân hoặc tổ chức cung cấp các tài liệu cần thiết hoặc chia sẻ thông tin có liên quan khi được yêu cầu.

Luật này có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện phúc lợi người tiêu dùng thông qua việc cấm và ngăn ngừa các hành vi thương mại không công bằng và không lành mạnh. Cụ thể, luật cấm ba hành vi chính là (i) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; (ii) Lạm dụng vị trí thống lĩnh; và (iii) Sáp nhập phản cạnh tranh.

Luật Cạnh tranh sẽ được thực thi theo từng giai đoạn, hiện đang bắt đầu bằng lệnh cấm Thỏa thuận chống cạnh tranh. Cách tiếp cận theo từng giai đoạn này nhằm mục đích cung cấp cho tất cả các bên đủ thời gian để chuẩn bị cho việc thực thi có trật tự Luật này.

Tóm tắt các điều khoản chính:

Phần / Mục / Chương
 

Chủ đề

Mô tả

PHẦN II, Chương thứ nhất và
thứ hai

​Ủy ban cạnh tranh của Brunei Darussalam

Ủy ban Cạnh tranh của Brunei Darussalam ("CCBD") được thành lập với nhiệm vụ thực thi Luật Cạnh tranh.

Bắt đầu từ ngày 1 tháng 8 năm 2017

​Mục 10

​Phạm vi áp dụng

Các lệnh cấm nêu trên sẽ áp dụng đối với bất kỳ cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức nào tiến hành các hoạt động thương mại hoặc kinh tế trên nhiều lĩnh vực, ngoại trừ Chính phủ, Cơ quan theo luật định và các hoạt động được liệt kê trong Phụ lục thứ ba và thứ tư.

​Mục 11
 

Thỏa thuận chống cạnh tranh
 

Mục này cấm mọi loại thỏa thuận có mục đích hoặc tác động ngăn chặn, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh tại Brunei Darussalam. Nó còn được gọi là cartel.

Có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020
 

Mục 20
 

​Miễn trừ khối
 

Có thể cấp miễn trừ theo khối cho một loại thỏa thuận cụ thể trên cơ sở loại thỏa thuận đó đáp ứng các tiêu chí được nêu trong phần 20 của Đạo luật.

​Mục 21
 

Lạm dụng quyền lực thống trị
 

Bất kỳ hành vi nào cấu thành hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh đều bị cấm như định giá phá hoại, hạn chế sản xuất hoặc áp dụng các điều kiện khác nhau cho giao dịch tương đương. Mục này áp dụng khi hành vi thống lĩnh và lạm dụng đã được xác lập.
 

​Mục 23
 

​Sáp nhập chống cạnh tranh

Mục này cấm các vụ sáp nhập dẫn đến giảm đáng kể khả năng cạnh tranh.

​Mục 35 - 38
 

Quyền điều tra
 

​CCBD có thể tiến hành điều tra nếu có căn cứ hợp lý để tin rằng có một hoặc nhiều hành vi vi phạm lệnh cấm theo phần 11, 21 và 23.

​Điều 42(4)

Hình phạt tài chính

Có thể áp dụng hình phạt tài chính lên tới 10% doanh thu hàng năm tại Brunei Darussalam cho mỗi năm vi phạm, trong thời hạn tối đa là 3 năm.

​Mục 44
 

Chế độ khoan hồng
 

Hình phạt có thể giảm tới 100 phần trăm nếu doanh nghiệp thừa nhận hành vi vi phạm và cung cấp thông tin hoặc sự hợp tác giúp ích đáng kể hoặc có khả năng giúp ích đáng kể cho việc điều tra hoặc xác định các doanh nghiệp khác.

​Mục 45
 

​Chấp nhận một cam kết
 

CCBD có thể chấp nhận đề xuất của một doanh nghiệp về một thỏa thuận “giải quyết” có thể giải quyết hành vi vi phạm đang được điều tra. Nếu chấp nhận, cuộc điều tra sẽ được đóng lại và không áp dụng hình phạt.

Phần IV,
Mục 62
 

Các tội phạm khác
 

Những người từ chối cho tiếp cận hồ sơ, v.v.; cung cấp thông tin, bằng chứng hoặc tài liệu sai lệch hoặc gây hiểu lầm; hủy hoại, che giấu, cắt xén hoặc thay đổi hồ sơ; cản trở công việc của viên chức có thẩm quyền; tham gia vào các hoạt động mách nước; sử dụng các biện pháp đe dọa hoặc trả thù để ngăn chặn việc tiết lộ thông tin, tất cả đều phạm tội.

Phần V
 

​Tòa phúc thẩm cạnh tranh
 

Bất kỳ thỏa thuận, hành vi hoặc sáp nhập nào đã được CCBD quyết định đều có thể kháng cáo, ngoại trừ quyết định về việc áp dụng hoặc tổng số tiền phạt, và sẽ được đưa ra xét xử trước Tòa phúc thẩm cạnh tranh.

​Mục 62
 

​Quyền tiến hành Đánh giá thị trường
 

CCBD có thẩm quyền tiến hành đánh giá thị trường nhằm mục đích phát hiện bất kỳ hoạt động nào hạn chế, ngăn chặn và bóp méo cạnh tranh.

Bắt đầu từ ngày 1 tháng 8 năm 2017

​Mục 67
 

Quyền hành động riêng tư
 

Bất kỳ cá nhân nào chịu mất mát hoặc thiệt hại trực tiếp do hành vi vi phạm gây ra đều có quyền khởi kiện để được giải quyết theo thủ tục dân sự tại tòa án đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.

​Chương thứ ba
 

​Loại trừ khỏi Mục 11 và 21

​Các hoạt động bị loại trừ khỏi lệnh cấm Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

​Chương thứ tư
 

​Loại trừ khỏi Mục 23
 

​Các vụ sáp nhập bị loại trừ khỏi phạm vi áp dụng của Đạo luật.

./.

Nguồn: Cơ quan Điều tra vụ việc Cạnh Tranh

Sự kiện