Ngày 28 tháng 11 năm 2024, tại Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổ chức “Hội thảo tuyên truyền pháp luật và chính sách cạnh tranh của một số quốc gia thành viên EVFTA” trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) năm 2024 của Bộ Công Thương. Hội thảo đã thu hút sự tham dự của đông đảo đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, công ty luật, cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế và pháp luật, các đơn vị báo chí truyền thông trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Hội thảo tuyên truyền pháp luật và chính sách cạnh tranh của một số quốc gia thành viên EVFTA với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nắm vững các quy định về pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam và các quốc gia thành viên EU, các cam kết cạnh tranh trong EVFTA. Đây được xem là hoạt động thiết thực nhằm giúp doanh nghiệp không chỉ tránh rủi ro pháp lý mà còn tận dụng tối đa các cơ hội mà EVFTA mang lại, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp ra thị trường các quốc gia thành viên liên minh châu Âu.
Phát biểu khai mạc, bà Hoàng Thị Thu Trang - Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 72,3 tỷ USD, EVFTA đang mở ra tiềm năng hợp tác kinh tế sâu rộng giữa Việt Nam và EU. “Việc nắm rõ các quy định pháp luật cạnh tranh là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và tự tin mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế,” bà Trang chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Thu Trang - Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Hội thảo bao gồm nhiều chuyên đề được thiết kế để giúp doanh nghiệp hiểu rõ các quy định pháp luật cạnh tranh tại một số quốc gia thành viên EU và các cam kết về cạnh tranh trong Hiệp định EVFTA. Cụ thể, các chuyên gia đã giới thiệu các quy định về các hành vi điều chỉnh theo pháp luật cạnh tranh gồm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tập trung kinh tế gây tác động hạn chế cạnh tranh và các hành vi khác bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Các bài trình bày giới thiệu tổng quan quy định pháp luật cạnh tranh Việt Nam và một số quốc gia EU như Hà Lan, Đức, Ý và Bỉ nhằm cung cấp kiến thức, giúp doanh nghiệp dễ dàng nhận diện và tuân thủ pháp luật về cạnh tranh khi tham gia thị trường các nước thành viên liên minh châu Âu.
Tại Hội thảo, các diễn giả cũng giới thiệu các cam kết về cạnh tranh trong EVFTA có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam và các nước thành viên EU; thiết lập và duy trì khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng qua đó góp phần thúc đẩy mục tiêu về thương mại, đầu tư và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của các nước thành viên. Cụ thể, các cam kết về cạnh tranh trong EVFTA quy định về (i) điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh theo quy định pháp luật về cạnh tranh, (ii) khuôn khổ pháp lý đảm bảo thực thi đối với các hành vi phản cạnh tranh với mục tiêu thúc đẩy hiệu quả kinh tế và phúc lợi người tiêu dùng, (iii) các nguyên tắc thực thi cam kết về cạnh tranh trên cơ sở không phân biệt đối xử giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh của các quốc gia thành viên khi áp dụng luật cạnh tranh quốc gia, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp có vốn nhà nước với doanh nghiệp có vốn ngoài nhà nước, minh bạch trong thực thi chính sách cạnh tranh và công bằng trong thủ tục tố tụng cạnh tranh, không phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
Hội thảo cũng mở ra cơ hội đối thoại, thảo luận trực tiếp giữa diễn giả với các đại biểu tham gia nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn trong thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh Việt Nam cũng như một số quốc gia Liên minh châu Âu; từ đó Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cần tuân thủ pháp luật cạnh tranh Việt Nam; các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hoạt động thương mại, đầu tư tại thị trường EU thì cần hiểu rõ và tuân thủ các quy định pháp luật cạnh tranh tại các quốc gia thành viên EU; và các cam kết về cạnh tranh trong EVFTA.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tuyên truyền pháp luật và chính sách cạnh tranh của một số quốc gia thành viên EVFTA tại Bà Rịa – Vũng Tàu
Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam
Có thể nói, các cam kết trong EVFTA mang lại cơ hội lớn nhưng cũng đi kèm những thách thức không nhỏ. Việc hiểu và tuân thủ pháp luật cạnh tranh không chỉ giúp doanh nghiệp phòng tránh các vụ việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh; do đó các doanh nghiệp cần hiểu và sử dụng các công cụ pháp lý trong pháp luật cạnh tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, thương mại và đầu tư.
Đại diện một doanh nghiệp tham gia Hội thảo chia sẻ: “Hội thảo đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về pháp luật cạnh tranh tại EU, đồng thời cung cấp nhiều thông tin thực tiễn để doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động kinh doanh đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không vi phạm các quy định về pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam và khi tham gia hội nhập vào thị trường các quốc gia tại liên minh châu Âu”.
Hội thảo tuyên truyền pháp luật và chính sách cạnh tranh của một số quốc gia thành viên EVFTA không chỉ là diễn đàn trao đổi thông tin mà còn là cầu nối giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin hội nhập thị trường quốc tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức pháp luật và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu./.