Ngày 12 tháng 6 năm 2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại và Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại và các quy định khác có liên quan cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo”. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu và Ông Ngô Đức Minh – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế đồng chủ trì Hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo.
Thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành Chỉ thị 03/CT-BCT ngày 25 tháng 3 năm 2024 về việc đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu và Ông Ngô Đức Minh – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các diễn giả đến từ các đơn vị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Phòng vệ Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã giới thiệu cho các doanh nghiệp tổng quan về các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh; thực tiễn và xu hướng điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; các thay đổi trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thị trường xuất khẩu gạo lành mạnh, bền vững.
Bà Hoàng Thị Thu Trang – Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trình bày giới thiệu về pháp luật cạnh tranh tại Hội nghị
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp đã cập nhật về thực trạng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi do nhu cầu tiêu dùng gạo trên các thị trường thế giới gia tăng cũng như tận dụng lợi thế có được từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, việc phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam phải đối mặt những khó khăn khách quan từ bên ngoài như chi phí sản xuất tăng cao, giá cước vận tải quốc tế cũng tăng cao, biến động giá gạo tại một số thị trường thế giới, đồng thời vẫn tồn tại những bất cập trong ngành như thị trường xuất khẩu gạo chưa đang dạng hóa, công tác phát triển ngành hàng chưa tiềm xứng với tiềm năng ngành hàng, hoạt động triển khai về truy xuất nguồn gốc chưa hiệu quả.
Thông qua Hội nghị, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh (như định giá độc lập, không thỏa thuận với các đối thủ cạnh tranh để ấn định giá mua, giá bán một cách gián tiếp hoặc trực tiếp; không ấn định giá bất hợp lý gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng nếu doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường; không bán dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh) và các quy định khác của pháp luật liên quan đến kinh doanh xuất khẩu gạo, đồng thời nghiên cứu để ứng phó trước các nguy cơ nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản (bao gồm mặt hàng gạo) của Việt Nam, góp phần tăng cường hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi cung ứng gạo, phát triển thị trường xuất khẩu gạo lành mạnh, bền vững, ứng phó kịp thời với những biến động trong khu vực và thế giới.