Trang chủ Giới thiệu

Khái niệm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

01/01/2019

Khoản 4, Điều 3, Luật Cạnh tranh 2018 quy định: “Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”.

Như vậy, một hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh gồm các cấu thành sau đây:

- Tồn tại một thỏa thuận dưới bất kỳ hình thức nào: bằng văn bản hay thỏa thuận miệng, dưới dạng thức điện tử; công khai hoặc ngầm định;

- Chủ thể của thỏa thuận là các bên, nghĩa là ít nhất gồm 02 tổ chức, cá nhân có liên quan với nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định .

- Việc thực hiện thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Tùy thuộc vào dạng thức và loại thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (chẳng hạn, thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan hay giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định) mà tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh được đánh giá là “mặc nhiên” (per se rule) hoặc theo “nguyên tắc hợp lý” (rule of reason).