Trang chủ Tin tức

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Tập huấn dành cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp về cam kết cạnh tranh trong Hiệp định RCEP và pháp luật cạnh tranh của một số quốc gia thành viên RCEP tại thành phố Hồ Chí Minh

27/12/2024 - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Tập huấn dành cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp về cam kết cạnh tranh trong Hiệp định RCEP và pháp luật cạnh tranh của một số quốc gia thành viên RCEP tại thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 12 tháng 12 năm 2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) năm 2024 của Bộ Công Thương, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã chủ trì, tổ chức hội thảo “Tập huấn dành cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp về cam kết cạnh tranh trong Hiệp định RCEP và pháp luật cạnh tranh của một số quốc gia thành viên RCEP” nhằm mục tiêu tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp, tổ chức hiểu rõ hơn tầm quan trọng của pháp luật cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hóa toàn cầu hiện nay.

Hội thảo đã thu hút sự tham dự của đông đảo đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, công ty luật, cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế và pháp luật, các đơn vị báo chí truyền thông trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận. Đây được xem là hoạt động thiết thực nhằm giúp doanh nghiệp không chỉ tránh rủi ro pháp lý mà còn tận dụng tối đa các cơ hội mà RCEP mang lại, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp ra thị trường các quốc gia thành viên hiệp định RCEP.

Phát biểu khai mạc, bà Hoàng Thị Thu Trang - Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, nhấn mạnh rằng hiệp định RCEP là một hiệp định  kinh tế có tầm ảnh hưởng quan trọng đến với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó các quốc gia tham gia thành viên của Hiệp định có tổng GDP chiếm 30% tổng GDP toàn cầu và có tổng dân số chiếm 1/3 tổng dân số thế giới. Bản thân Việt Nam vẫn đang là một đối tác thương mại tiềm năng lớn với các quốc gia trong RCEP như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, ... “Việc nắm rõ các quy định pháp luật cạnh tranh là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và tự tin mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế” bà Trang chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Thu Trang - Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh phát biểu khai mạc tại khóa Tập huấn

Mở đầu buổi tập huấn, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã trình chiếu Video clip để giới thiệu về cam kết cạnh tranh trong Hiệp định RCEP, hướng dẫn tuân thủ cam kết cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh của các quốc gia thành viên RCEP với nội dung cụ thể như: (i) giới thiệu tổng quan về Hiệp định RCEP, tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực RCEP; (ii) các cam kết về cạnh tranh trong Hiệp định RCEP; (iii) các nhóm hành vi bị cấm, chế tài xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm theo quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam và một số quốc gia thành viên RCEP (bao gồm Úc và Nhật Bản); và (iv) một số khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp trong hoạt động thương mại, đầu tư kinh doanh tại các quốc gia trong khu vực RCEP.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã trực tiếp trình chiếu, phổ biến Video clip giới thiệu về cam kết cạnh tranh trong Hiệp định RCEP, hướng dẫn tuân thủ cam kết cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh của các quốc gia thành viên RCEP tại buổi tập huấn

Buổi tập huấn bao gồm nhiều chuyên đề được thiết kế để giúp doanh nghiệp hiểu rõ các quy định pháp luật cạnh tranh tại một số quốc gia thành viên RCEP và các cam kết về cạnh tranh trong Hiệp định RCEP. Cụ thể, các chuyên gia đã giới thiệu các quy định về các hành vi điều chỉnh theo pháp luật cạnh tranh gồm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tập trung kinh tế gây tác động hạn chế cạnh tranh và các hành vi khác bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Diễn giả của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia giới thiệu một số các hành vi điều chỉnh theo pháp luật cạnh tranh tại buổi tập huấn

Các bài trình bày giới thiệu tổng quan về các cam kết cạnh tranh trong Hiệp định RCEP và một số quốc gia thuộc Hiệp định như Nhật Bản và Úc nhằm cung cấp kiến thức, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định, cam kết quốc tế trong lĩnh vực cạnh tranh, đặc biệt là các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định RCEP, từ đó, chuẩn bị tốt hơn để thích ứng với môi trường cạnh tranh quốc tế. Theo đó, các diễn giả đã giới thiệu các cam kết về cạnh tranh trong RCEP có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam và các nước thành viên RCEP; thiết lập và duy trì khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng qua đó góp phần thúc đẩy mục tiêu về thương mại, đầu tư và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của các nước thành viên.

Diễn giả của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia giới thiệu tổng quan về các cam kết cạnh tranh trong Hiệp định RCEP và một số quốc gia thuộc Hiệp định như Nhật Bản và Úc tại buổi tập huấn

Bên cạnh đó, buổi tập huấn đã mở ra cơ hội đối thoại, thảo luận trực tiếp giữa diễn giả với các đại biểu tham gia nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn trong thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh Việt Nam cũng như một số quốc gia thuộc Hiệp định RCEP; từ đó Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cần tuân thủ pháp luật cạnh tranh Việt Nam; các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hoạt động thương mại, đầu tư tại thị trường các quốc gia thuộc RCEP thì cần hiểu rõ và tuân thủ các quy định pháp luật cạnh tranh tại các quốc gia đó đồng thời tìm hiểu và nghiên cứu thêm về các cam kết về cạnh tranh trong RCEP.

Ông Nguyễn Ngọc Trung Chánh, đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn Thiên Long phát biểu ý kiến tại buổi tập huấn

Đại diện của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực thi pháp luật về cạnh tranh

Có thể nói, các cam kết trong Hiệp định RCEP mang lại cơ hội lớn nhưng cũng đi kèm những thách thức không nhỏ. Việc hiểu và tuân thủ pháp luật cạnh tranh không chỉ giúp doanh nghiệp phòng tránh các vụ việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh; do đó các doanh nghiệp cần hiểu và sử dụng các công cụ pháp lý trong pháp luật cạnh tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, thương mại và đầu tư.

Đại diện một doanh nghiệp tham gia Hội thảo chia sẻ: “Tập huấn đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn không chỉ những cam kết cạnh tranh trong RCEP mà còn giúp trang bị thêm cho chúng tôi nhiều thông tin thực tiễn để doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động kinh doanh đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không vi phạm các quy định về pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam và khi tham gia hội nhập vào thị trường các quốc gia thuộc hiệp định RCEP”.

Tập huấn cam kết cạnh tranh trong Hiệp định RCEP và pháp luật cạnh tranh của một số quốc gia thành viên RCEP dành cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý không chỉ là diễn đàn trao đổi thông tin mà còn là cầu nối giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin hội nhập thị trường quốc tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức pháp luật và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

 

Nguồn: Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh

Sự kiện