Thực hiện nhiệm vụ được giao trong khuôn khổ các hoạt động năm 2024 của Đề án triển khai Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2024-2026, ngày 05 tháng 11 năm 2024, tại Hà Nội, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Ủy ban), Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tập huấn quy định mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) khu vực miền Bắc.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự hiện diện trực tiếp của đại diện lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc như Yên Bái, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Giang; lãnh đạo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh. Hội nghị có sự tham dự trực tiếp của hơn 80 đại biểu đến từ các sở, ban ngành, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của hơn 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và hơn 80 đại biểu tham dự trực tuyến từ Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã và các cơ quan có liên quan khác, bao gồmPhòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng của các quận, huyện trực thuộc các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD) sửa đổi đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 20/6/2023, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, thay thế cho Luật năm 2010. Lần sửa đổi này có thể nói là toàn diện, đồng bộ nhất từ trước đến nay. Theo đó, Luật mới gồm 07 chương và 80 điều, trong đó nhiều quy định tại các văn bản dưới luật, cùng với nhiều xu hướng, xu thế mới trong hành vi kinh doanh và tiêu dùng trên thực tiễn, cùng với kinh nghiệm quốc tế đã được rà soát, cập nhật vào trong Luật. Luật đã bổ sung nhiều quy định hoàn toàn mới như bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương, người có ảnh hưởng, sản xuất và tiêu dùng bền vững, giao dịch đặc thù, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng, nền tảng số, …. Nhiều nội dung quan trọng về đối tượng áp dụng, quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, trách nhiệm và hành vi bị cấm của doanh nghiệp, cơ chế giải quyết tranh chấp, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng, trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung ương đến từng cấp ở địa phương cũng đã được sửa đổi, hoàn thiện trong Luật mới lần này.
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành như: Nghị định số 55/2024/NĐ-CP; Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg (có hiệu lực thi hành cùng thời điểm hiệu lực của Luật BVQLNTD). Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét theo quy định. Đến thời điểm hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã hoàn thiện về cơ bản. Do đó, các cơ quan, cấp có thẩm quyền cần tập trung triển khai thi hành có hiệu quả Luật BVQLNTD nhằm kịp thời đưa Luật đi vào cuộc sống, trong đó, có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định mới của Luật cho các đối tượng liên quan trên toàn quốc.
Tại Hội thảo, các diễn giả đến từ Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã thông tin về các quy định mới của Luật BVQLNTD sửa đổi năm 2023. Theo đó, đại diện của Ủy ban đã giới thiệu về hệ thống pháp lý và tập huấn, hướng dẫn nhiều nội dung quy định quan trọng liên quan đến Luật BVQLNTD mới, như: i) Phạm vi, đối tượng áp dụng và làm rõ các khái niệm mới trong Luật BVQLNTD năm 2023; ii) Quyền, trách nhiệm của người tiêu dùng, trách nhiệm và hành vi bị nghiêm cấm của tổ chức, cá nhân kinh doanh – Giải quyết tranh chấp tiêu dùng; iii) Bảo vệ người tiêu dùng trong một số trường hợp cụ thể (giao dịch đặc thù, thương mại điện tử, người tiêu dùng dễ bị tổn thưởng, …); iv) Quyền, trách nhiệm và hoạt động chính của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng và v) Một số quy định về trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương, ông Lê Nguyên, đại diện Sở Công Thương TP. Hà Nội đã chia sẻ một số nội dung chính trong việc triển khai Luật BVQLNTD năm 2023 tại Hà Nội nói chung và các hoạt động, đề án, chương trình mà Sở Công Thương TP. Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai thời gian vừa qua. Tại Hội nghị, đại diện Sở Công thương TP. Hà Nội cũng trình bày một số khó khăn và kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền để công tác BVQLNTD được triển khai có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một trong những nội dung quan trọng của Luật BVQLNTD sửa đổi năm 2023. Tại Hội nghị, ông Mai Văn Dũng, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Truyền thông Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) đã trình bày một số hoạt động mà VICOPRO đang triển khai trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Nổi bật trong đó có hệ thống Tư vấn, giải quyết khiếu nại trực tuyến của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam với sự liên thông, kết nối tới các Hội tỉnh, thành phố trực thuộc và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền trên phạm vi toàn quốc.
Hội nghị tập huấn tại TP. Hà Nội là hội nghị đầu tiên trong chuỗi các Hội nghị tập huấn quy định mới của Luật BVQLNTD (sửa đổi) được tổ chức tại 03 miền Bắc – Trung – Nam trong khuôn khổ các hoạt động năm 2024 của Đề án triển khai Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2024-2026.