Trong một thập niên qua, xu hướng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam đã có nhiều thay đổi, người dân sẵn sàng chi tiêu trước cho các nhu cầu đời sống, thay vì tiết kiệm trước, chi tiêu sau; chuyển từ sử dụng tiền mặt sang thẻ tín dụng trong thanh toán và các kênh bán lẻ trực tuyến thay vì chuỗi cửa hàng bán lẻ, xu hướng tiêu dùng này đã tác động lớn đến sự phát triển của tín dụng tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là một cách luân chuyển luồng vốn, góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo động lực phát triển kinh tế. Theo đánh giá của các chuyên gia, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”. Vì vậy, phát triển tín dụng tiêu dùng không chỉ giúp phát triển phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà còn giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Tín dụng tiêu dùng là hình thức cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân bằng nghiệp vụ cho vay bao gồm cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng và phát hành thẻ tín dụng. Tín dụng tiêu dùng bao gồm các khoản tín dụng được cung cấp bởi các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, quỹ tín dụng, tổ chức tài chính vi mô, công ty fintech và một số tổ chức tài chính khác. Người tiêu dùng phải trả lại khoản tiền vay theo kế hoạch trả góp với lãi suất được xác định trước. Như vậy, có thể hiểu tín dụng tiêu dùng là việc cung cấp khoản vay cho cá nhân nhằm sử dụng cho mục đích tiêu dùng cá nhân và người tiêu dùng sẽ phải thanh toán khoản vay cùng với lãi suất đã xác định khi hết thời hạn cho vay theo kế hoạch trả lãi đã cam kết với bên cho vay.
-
Thực trạng tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam
Hiện nay, khuyến khích tín dụng tiêu dùng là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở các nước phát triển, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 60-70% tổng dư nợ cho vay. Nước ta có khoảng 100 triệu dân nhưng tỉ lệ người dân sử dụng tín dùng vẫn còn rất hạn chế bởi do lối tư duy của người tiêu dùng không muốn vay nợ và chưa có kế hoạch chi tiêu dẫn tới không thể chi trả khoản nợ nên tạo ra nợ xấu. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất quan tâm tín dụng tiêu dùng vì hoạt động này không chỉ đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân, góp phần kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn giúp giảm quy mô và hoạt động “tín dụng đen”.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hoạt động tín dụng tiêu dùng những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ năm 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến cuối tháng 9-2024 đạt 8,53%, trong khi cùng kỳ năm 2023 đạt khoảng 6,24%.
Còn theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30-9, tín dụng ngân hàng tăng 9%. Mức tăng tín dụng này cho thấy sự cải thiện đáng kể của cầu tín dụng và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, khi hết ngày 30-6, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6% so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 5-2024, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2,4%. Như vậy, trong tháng 6-2024, tín dụng đã tăng 3,6%.
Theo thống kê và tổng kết trong những tháng đầu năm và những tháng cuối năm 2024, sự tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở một số ngân hàng có thể nhìn thấy rõ nhu cầu mua sắm cuối năm của người tiêu dùng. Tại ACB, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đạt 550.000 tỷ, tăng 12,8%. Đại diện TPBank kỳ vọng, tăng trưởng cho vay dư nợ tiêu dùng cuối năm khoảng 25%, trong đó riêng dư nợ các sản phẩm vay tiêu dùng qua kênh số sẽ tăng trưởng 35%, đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
Quý III vừa qua VPBank đã hợp tác với Lotte C&F Việt Nam, trở thành tiền đề để hai bên khai thác thế mạnh song phương và tận dụng cơ hội từ sức mua mạnh mẽ của thị trường gần 100 triệu dân mang lại. Bên cạnh đó, ngân hàng đã trở thành đối tác chiến lược của hãng xe điện BYD tại Việt Nam, cung cấp gói tín dụng cho người mua xe với các chính sách vay ưu đãi và cơ chế vay tinh gọn. Tín dụng 9 tháng đầu năm 2024 của riêng MB tăng trưởng 13,5% so với năm 2023 – đây là mức tăng trưởng tín dụng tốt so với thị trường. Dư nợ cho vay khách hàng riêng ngân hàng tăng trưởng tốt, đạt 664.452 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, công nghiệp phụ trợ.
Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và sự suy giảm tổng cầu. Gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ cho công ty tổ chức tín dụng; các công ty mạo danh, lừa đảo… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung.
2.Giải pháp cho phát triển tín dụng tiêu dùng và hạn chế “tín dụng đen” tại Việt Nam
Để khai thác được tiềm năng của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam và giải quyết những tồn tại và thách thức, các chuyên gia tại các Bộ ban ngành đã đề xuất một số giải pháp và các kiến nghị.
Ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đề xuất, cần sớm cho phép và hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã có nhiều chương trình cho vay đặc thù với sự phối hợp của Tổng Liên đoàn lao động và các bộ, ngành, địa phương với những ưu đãi về lãi suất, mức vay, thời gian, quy trình cho vay được tích cực triển khai.
Bộ Công an đã xây dựng và liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo đa dạng về thông tin, hỗ trợ tích cực cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng trong quá trình cho vay; đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh, trấn áp với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của hoạt động "tín dụng đen"...[3]
Một số giải pháp nhằm hạn chế “tín dụng đen”
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về vấn đề vay tiền để phục vụ đời sống của người dân, vay để tiêu dùng.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời nêu cao việc phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm công nghệ cao.
Thứ tư, tổ chức các khóa tập huấn, nâng cao kiến thức về tín dụng tiêu dùng đối cho chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến người dân, giúp người dân hiểu đúng về tín dụng tiêu dùng và các tổ chức uy tín và nêu bật hệ lụy, hậu quả của "tín dụng đen". Bản thân các tổ chức tín dụng cần rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ.
Thứ năm, các tôt chức tín dụng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu này trong hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Thứ sáu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
3.Một số quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến các giao dịch trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Hiện nay, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến các giao dịch trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
Thứ nhất, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2024 là văn bản pháp luật quan trọng, thiết lập cơ sở pháp lý chung cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. Luật BVNTD 2023 đã quy định rõ các quyền của người tiêu dùng tại điều 4, cụ thể:
1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh.
3. Lựa chọn sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và nội dung thoả thuận khi tham gia giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
4. Góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
5. Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá , nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh..
6. Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn về kiến thức và kỹ năng tiêu dùng sản phẩm.
9. Được tạo điều kiện được lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững.
10. Được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật liên quan.
Ngoài ra, Điều 10 Luật BVNTD 2023 cũng quy định các hành vi bị cấm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đối với các tổ chức tín dụng, các hành vi sau có thể được coi là bị cấm gồm:
· Cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ, rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật BVNTD 2023, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ bị cấm lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hoá, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, tổ chức tín dụng bị cấm cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Theo phản ánh của người tiêu dùng mà Ủy ban đã tiếp nhận, nhân viên tư vấn thường vi phạm vấn đề này: Ví dụ, khi tư vấn, nhân viên cam kết mức lãi suất chỉ từ 1-2%/tháng nhưng thực tế, mức lãi suất thể hiện trên hợp đồng là 6%/tháng. Thậm chí, có hiện tượng nhân viên tư vấn mạo danh tên của ngân hàng để giới thiệu dịch vụ cho vay. Thực tế, sau khi kiểm tra hợp đồng đã ký kết, người tiêu dùng mới nhận thấy khoản vay là do công ty tài chính cung cấp với mức lãi suất khá cao.
· Không cung cấp bằng chứng giao dịch, hợp đồng vay tiêu dùng
Một vấn đề khác đó là tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhân viên thường hối thúc người tiêu dùng nhanh chóng ký mà không cung cấp hợp đồng để người tiêu dùng đọc, nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng trước khi ký kết. Sau khi ký kết hợp đồng cho vay tín dụng, nhân viên từ chối giao bản hợp đồng gốc để người tiêu dùng lưu giữ hoặc không cho phép người tiêu dùng sao chụp hợp đồng. Trong những trường hợp này, nhân viên tư vấn thường lấy lý do phải chuyển hợp đồng về công ty để lấy dấu và hẹn sẽ chuyển lại cho người tiêu dùng sau. Khi tranh chấp xảy ra, người tiêu dùng khó đòi quyền lợi khi không có bằng chứng chứng minh giao dịch.
· Đe dọa, quấy rối người tiêu dùng khi nhắc, thu hồi nợ
Điểm a khoản 3 Điều 10 Luật BVNTD quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng thông qua việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng trong quá trình thu hồi nợ hoặc kỳ hạn nộp nhưng người vay chưa trả thì lại liên gọi điện, nhắn tin có nội dung đe dọa, quấy rối, làm phiền tới người vay và người than của người vay tiền. Thậm chí có nhiều trường hợp bị đe dọa, đòi nợ trong khi họ chưa từng thực hiện giao dịch bất kỳ khoản vay nào.
Trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tranh chấp được giải quyết thông qua 04 phương thức theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật BVNTD 2023 gồm: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án. Đối với tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì không được thương lượng, hoà giải.
Thứ hai, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 có các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Theo đó, tại khoản 4, 7, và 38 Điều 4 quy định một số thuật ngữ liên quan đến tín dụng, gồm:
4. Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, thư tín dụng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.
7. Cho vay là hình thức cấp tín dụng thông qua việc bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định, trong một thời gian nhất định, theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận cho bên vay.
38. Tổ chức tín dụng là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của luật này. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
Thứ ba, ngày 30 tháng 12 năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, sau đây viết tắt là Thông tư 43/2016/TT-NHNN). Thông tư góp phần quy định chi tiết, đầy đủ, rõ ràng hơn đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính-một trong hai chủ thể cấp tín dụng tiêu dùng chính.
Theo Thông tư 43/2016/TT-NHNN, cho vay tiêu dùng được định nghĩa như sau: “Cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng). Mức tổng dư nợ quy định tại khoản này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật”. Khoản vay tiêu dùng trên sẽ được sử dụng vào các nhu cầu gồm: Mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; Chi phí học tập, khám, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao; Chi phí sửa chữa nhà ở (theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN). Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 3 của Thông tư 43/2016/TT-NHNN cũng nêu rõ cho vay trả góp là hình thức cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng, theo đó công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận trả nợ gốc và lãi tiền vay theo nhiều kỳ hạn.
Việc cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phải được thực hiện theo các quy định được quy định tại Điều 5 Thông tư 43/2016/TT-NHNN như sau:
1. Hoạt động cho vay tiêu dùng được thực hiện theo thỏa thuận giữa công ty tài chính và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Công ty tài chính phải thực hiện quản lý, giám sát, thống kê hoạt động cho vay tiêu dùng tách bạch với các hoạt động cho vay khác của công ty tài chính, tách bạch cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng với phương thức giải ngân cho vay tiêu dùng khác.
3. Khách hàng vay vốn công ty tài chính phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng thời hạn đã thỏa thuận với công ty tài chính.
Phương thức cho vay tiêu dùng được quy định tại Điều 8 Thông tư 43/2016/TT-NHNN, cụ thể:
Công ty tài chính thỏa thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay tiêu dùng sau đây:
1. Cho vay từng lần: Mỗi lần cho vay, công ty tài chính và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay và ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
2. Cho vay theo hạn mức: Công ty tài chính xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Trong hạn mức cho vay, công ty tài chính thực hiện cho vay từng lần. Mỗi năm ít nhất một lần, công ty tài chính xem xét, xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.
Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng (theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 9 Thông tư 43/2016/TT-NHNN).
Như vậy, có thể thấy, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những văn bản pháp luật được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhằm kiểm soát hoạt động tín dụng tiêu dùng nói chung và hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nói riêng. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra tình trạng “tín dụng đen” tại nhiều địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.