Luật Thị trường Kỹ thuật số của Châu Âu bắt đầu áp dụng kể từ đầu tháng 5 năm 2023. Cùng với Luật Dịch vụ Kỹ thuật số, Luật Thị trường Kỹ thuật số là một trong những chiến lược trọng tâm của Châu Âu nhằm ổn định và phát triển thị trường kỹ thuật số.
Theo Liên minh Châu Âu, một số nền tảng trực tuyến lớn đóng vai trò là “Người gác cổng” (gatekeepers) trong thị trường kỹ thuật số. Đây cũng là đối tượng điều chỉnh chính của Luật Thị trường Kỹ thuật số để các nền tảng này hoạt động một cách công bằng.
Những "Người gác cổng"
Luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) thiết lập một bộ tiêu chí khách quan nhằm xác định các điều kiện cần và đủ để một nền tảng trực tuyến lớn được gọi là “Người gác cổng”. Điều này cho phép Luật Thị trường Kỹ thuật số nhắm tới đối tượng điều chỉnh là các nền tảng trực tuyến có hệ thống lớn.
Các Công ty có những tiêu chí sau sẽ được gọi là “Người gác cổng”:
- Có vị thế kinh tế vững mạnh, có tác động đáng kể đến thị trường nội địa và hoạt động tích cực ở nhiều quốc gia EU;
- Có vị trí trung gian mạnh, nghĩa là liên kết lượng người dùng lớn với số lượng lớn doanh nghiệp;
- Đã (hoặc sắp có) một vị trí vững chắc và lâu dài trên thị trường, nghĩa là ổn định theo thời gian nếu công ty đáp ứng hai tiêu chí trên trong ba năm tài chính vừa qua.
Lợi ích của Luật thị trường kỹ thuật số
- Doanh nghiệp là khách hàng phụ thuộc vào "Người gác cổng" để cung cấp dịch vụ của họ trong thị trường chung sẽ có môi trường kinh doanh công bằng hơn.
- Các doanh nghiệp, người dùng khởi nghiệp trong lĩnh vưc đổi mới, công nghệ sẽ có cơ hội mới để cạnh tranh và đổi mới trong môi trường nền tảng trực tuyến mà không phải tuân thủ các điều khoản và điều kiện không công bằng và làm hạn chế sự phát triển của họ.
- Người dùng sẽ có nhiều dịch vụ tốt hơn để lựa chọn, nhiều cơ hội hơn để chuyển đổi nhà cung cấp nếu họ muốn, tiếp cận trực tiếp với các dịch vụ và giá cả hợp lý hơn.
- "Người gác cổng" sẽ nắm giữ mọi cơ hội để đổi mới và cung cấp các dịch vụ mới. Đơn giản là họ sẽ không được phép sử dụng các hành vi cạnh tranh không công bằng đối với người dùng doanh nghiệp và khách hàng phụ thuộc vào họ để đạt được lợi thế nhất định.
Một số nội dung đáng chú ý của Luật
Các quy định mới của Luật sẽ thiết lập các nghĩa vụ đối với "Người gác cổng", những điều “nên làm” và “không nên làm” mà họ phải tuân thủ trong hoạt động hàng ngày của mình. Cụ thể:
Những điều các doanh nghiệp “nên làm”:
- Cho phép các bên thứ ba tương tác với các dịch vụ riêng của người gác cổng trong một số tình huống cụ thể;
- Cho phép người dùng doanh nghiệp của họ truy cập vào dữ liệu mà họ tạo ra khi sử dụng nền tảng của người gác cổng;
- Cung cấp cho các công ty quảng cáo trên nền tảng của họ các công cụ và thông tin cần thiết để nhà quảng cáo và nhà xuất bản thực hiện xác minh độc lập của riêng họ đối với quảng cáo do người gác cổng tổ chức;
- Cho phép người dùng doanh nghiệp của họ quảng bá ưu đãi của họ và ký kết hợp đồng với khách hàng bên ngoài nền tảng của người gác cổng.
- Những điều các doanh nghiệp “không nên làm”:
- Coi các dịch vụ và sản phẩm do chính mình cung cấp có thứ hạng thuận lợi hơn so với các dịch vụ hoặc sản phẩm tương tự do bên thứ ba cung cấp trên nền tảng của "Người gác cổng";
- Ngăn người tiêu dùng liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài nền tảng của họ;
- Ngăn người dùng gỡ cài đặt bất kỳ phần mềm hoặc ứng dụng nào được cài đặt sẵn nếu họ muốn;
- Theo dõi người dùng cuối cùng bên ngoài dịch vụ nền tảng cốt lõi của "Người gác cổng" nhằm mục đích quảng cáo mà không có sự đồng ý của người dùng.
- Nhiệm vụ của Ủy ban Châu ÂU (EC) để đảm bảo Luật Thị trường Kỹ thuật số theo kịp sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực kỹ thuật số
Để đảm bảo rằng các quy tắc gác cổng mới theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường kỹ thuật số, Ủy ban sẽ tiến hành điều tra thị trường nhằm:
- Xác định các điều kiện để các công ty trở thành "Người gác cổng";
- Cập nhật liên tục, thường xuyên các nghĩa vụ của "Người gác cổng";
- Thiết kế các biện pháp khắc phục để giải quyết các hành vi vi phạm có hệ thống các quy tắc của Luật Thị trường Kỹ thuật số.
Xử lý vi phạm
- Tiền phạt: lên tới 10% tổng doanh thu hàng năm của công ty trên toàn thế giới hoặc lên tới 20% trong trường hợp vi phạm nhiều lần.
- Trả tiền phạt định kỳ: lên tới 5% doanh thu trung bình hàng ngày.
- Biện pháp khắc phục: Trong trường hợp "Người gác cổng" vi phạm có hệ thống nghĩa vụ "Người gác cổng", các biện pháp khắc phục bổ sung có thể được áp dụng đối với "Người gác cổng" sau khi điều tra thị trường. Những biện pháp khắc phục như vậy sẽ cần phải tương xứng với hành vi phạm tội đã gây ra. Nếu cần thiết và là lựa chọn cuối cùng, các biện pháp khắc phục phi tài chính có thể được áp dụng. Chúng có thể bao gồm các biện pháp khắc phục về mặt hành vi và cơ cấu, ví dụ như việc thoái vốn (một phần) của một doanh nghiệp.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Luật Thị trường Kỹ thuật số nhằm đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho thị trường kỹ thuật số, qua đo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể:
- Cấm các hành vi không công bằng, mở ra khả năng cho người dùng là doanh nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn về dịch vụ sáng tạo;
- Khả năng tương tác tốt hơn với các dịch vụ thay thế cho dịch vụ của "Người gác cổng";
- Khả năng dễ dàng hơn cho người tiêu dùng chuyển đổi nền tảng nếu họ muốn;
- Dịch vụ tốt hơn và giá thấp hơn cho người tiêu dùng.
Cho đến nay, các sáng kiến lập pháp của Châu Âu đã giải quyết được một phần các vấn đề được nổi cộm trong khối nhưng cũng dẫn đến sự phân mảnh ngày càng gia tăng về quy định ở EU. Điều này có thể làm tăng chi phí tuân thủ cho các nền tảng hoạt động xuyên biên giới. Luật thị trường kỹ thuật số sẽ mang lại những tác động tích cực trong thời gian tới như:
- "Người gác cổng" biết trước những nghĩa vụ mà họ phải tôn trọng.
- Các nền tảng khác sẽ không phải tuân theo các quy tắc này nhưng sẽ có thể được hưởng lợi từ các hành vi công bằng hơn khi kinh doanh với người gác cổng.
- Giảm chi phí tuân thủ cho người gác cổng và người dùng doanh nghiệp của họ.
Trước mắt, 06 tập đoàn công nghệ lớn được coi là "Người gác cổng" và sẽ đối mặt với các hạn chế mới nghiêm ngặt về cách thức hoạt động theo quy định của Luật, cụ thể: 05 tập đoàn của Mỹ là Alphabet, công ty mẹ của Google, Amazon, Apple, Meta và Microsoft, cùng với ByteDance của Trung Quốc. EC cũng đã nêu tên 22 ứng dụng "nền tảng cốt lõi" thuộc 06 “gã khổng lồ” công nghệ này, trong đó có App Store của Apple, Facebook, Instagram và WhatsApp của Meta; ứng dụng video YouTube và trình duyệt web Chrome của Google cũng như Safari của Apple. Các dịch vụ khác là các hệ điều hành mà Apple, Microsoft và Google sử dụng cũng như Google Maps, Play và Shopping của Alphabet. Các ứng dụng và dịch vụ trên phải tuân thủ đầy đủ DMA vào ngày 6/3/2024.
Như vậy, Liên minh châu Âu đang nỗ lực thắt chặt quy định đối với các công ty công nghệ lớn bằng các quy định mới, qua đó tăng tính công bằng cho thị trường kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng./.